Thư pháp Quốc ngữ là????

Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Nam Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Hán, đoạn tuyện hoàn toàn bằng khoa thi cuối cùng tại trường thi Nam Định, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt. Nă m 1920, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh cấm dùng chữ Nôm. 18.9.1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học. Đó chính là giai đoạn mà cha ông ta chúng ta đã từng vẫn sử dụng bút lông để viết Quốc ngữ mới du nhập như một trò tiêu khiển. Đến những năm 30 thì xuất hiện một vài nhân vật có ý thức thể hiện những câu thơ, lời hay của những bậc tiền nhân hoặc của chính mình thành như một bức Chữ mang tính nghệ thuật. Tiêu biểu đó là nhà thơ Đông Hồ mà ngày nay đa số tác gia Thư pháp Quốc ngữ vẫn tôn vinh là ông tổ của phân môn nghệ thuật này.
Đi đầu trong phong trào Thư pháp thì phải kể đến Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và một số tỉnh thành vệ tinh với những cuộc nói chuyện chuyên đề “Hồn chữ Việt và thư pháp Việt đi vào cuộc sống” những năm 2000, đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào viết, chơi chữ Quốc ngữ nói riêng và Thư pháp nói chung và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người yêu thích. Không chỉ có người lớn tuổi, nhiều em học sinh, nhiều thanh niên nam nữ cũng đến với Thư pháp như một sự tìm về với tình cảm của chính mình và bản năng nghệ thuật trong con chữ của dân tộc. Sự ra đời của các thư quán, Câu Lạc Bộ, phòng triển lãm khắp nơi là một minh chứng vô cùng rõ nét.
Thư pháp Quốc ngữ là nghệ thuật mang tính hình tượng hóa đối với chữ viết, thông qua việc dùng bút lông mực tàu để tạo nên những câu chữ với hiệu quả nghệ thuật từ góc độ của hình ảnh, nên nó đã vượt ra khỏi chức năng truyền tải thông tin mà trở thành đầy biến thái ảo diệu, sinh động vô vàn. Thư pháp Quốc ngữ có mặt ở khắp nơi: báo chí, bích chương, quảng cáo, bảng hiệu, tranh lịch, phần mềm font chữ.v.v... trong nhiều góc độ của cuộc sống. Các tác phẩm thư pháp Quốc ngữ đủ cỡ lớn, nhỏ kiêu hãnh trang trí cho những Gallery, các phòng triển lãm, thậm chí bình dân như quán café, quán trà, tư dinh, đại sảnh các cơ quan....Tính đại chúng, của thư pháp Quốc ngữ gần vũi với đời sống vừa là lợi thế nhưng cũng là một hạn chế lớn khi có quá nhiều người lợi dụng mấy chữ “Thư pháp Việt” nhất là trong bối cảnh chưa có được một hệ thống lí luận nền tảng làm chuẩn mực, và đặc biệt chưa có kĩ pháp hoàn chỉnh.v..v.. Câu chuyện này được đặt ra cho chính những người hoạt động chuyên môn, những người yêu thích và cả công chúng đang chơi và thưởng thức Thư pháp Quốc ngữ như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Đến với Thư pháp Quốc ngữ ngoài nhu cầu tâm linh, còn là sự trọng vọng trong việc góp phần cổ suý nét đẹp của văn hoá truyền thống cùng bối cảnh không gian hiện đại. Tìm kiếm và chia sẻ những giá trị nghệ thuật chung, là những điều mà Thư pháp Quốc ngữ muốn nói đến trong giai đoạn phát triển chung của xã hội hiện nay.
Hà Nội - Xuân Đinh Hợi.
Kiều Quốc Khánh