TRÀ CỤ LƯ VỚI TA
VietArtValue.com -(Internet ngày 26/11/2005) Người Việt Nam có thói quen uống trà (chè). Trà để uống lúc sáng sớm trước khi đi làm, uống sau bữa ăn, uống khi có khách và uống vào buổi tối, ban đêm... Giữa ngăn tủ sang trọng với vô số thức uống của người Việt hiện đại vẫn có một khoảng trống cho một túi trà Thái Nguyên hay trà Tuyết Suối Giàng.
ÔNG GIÀ XA LẠ
Tôi có may mắn quen biết một ông già 75 tuổi với quán trà đã nổi tiếng: Già Lư và Lư trà quán. Theo thói quen, tôi chú ý đến những chữ Hán viết trên vách quán và những bài thơ Hán viết theo nét chân, nét thảo ông treo, để rồi được ông tiếp chuyện như một người bạn trà, với tất cả tình yêu và niềm đam mê sâu sắc với trà, và một nỗi niềm đau đáu với một nghệ thuật trà Việt đã và đang bị phôi phai.
Trong cái nhịp sống hiện đại, ồn ào và xô bồ, giữa dòng người ồ ạt, vô tình trên đường phố, già Lư và cái quán nhỏ trầm lặng dường như trở lên xa lạ. Xa lạ bởi vì nó không có sự bon chen hay cạnh tranh buôn bán như vốn thường. Mà ngược lại, nó lại là nơi để người ta giấu mình, nơi để người ta tìm thấy và tự thưởng những giây phút thanh thản, thư thái của tâm hồn.
Ông xa lạ cũng bởi vì ông có một ước mơ không dễ có khi người ta đang sống trong 1 cuộc sống công nghiệp và nhiều lo toan, toan tính. Đó là ước mơ khôi phục và xây dựng văn hoá trà, nghệ thuật trà Việt Nam. Ông rất yêu trà, yêu văn hoá của đất nước nên ông không muốn nền văn hoá đồ sộ ấy mất đi một nét nghệ thuật độc đáo. Và ông cố gắng giữ gìn nét đẹp ấy trong từng chén trà được ông pha chế cẩn trọng, không vội vàng, trong những buổi sáng cùng vài người bạn tâm giao thưởng trà, ngâm thơ và đàm luận thơ. Với ông, văn hoá trà Việt đẹp là vì thế.
Cái quán nhỏ của ông bao giờ cũng đông khách. Khách đến quán quen với cái thơm đậm đà, nồng nàn của ông già hoài cổ, trọng người chủ quán điềm tĩnh mà không bao giờ quên thực hiện khẩu hiệu "hoà-kính-thanh-tĩnh" mà ông già đã cẩn thận viết và treo lên trên vách tường đã cũ. Khi người ta "thấm" được cái hồn đó thì chén trà sẽ ngon hơn bội phần, và lòng người cũng thanh thản hơn bội phần.Triết lý của ông là như vậy. "Sự bình dị bao giờ cũng làm con người ta tĩnh tâm, thư thái. Tôi không tìm thấy ở nơi nào trên đất Hà Nội rộng lớn một tâm trạng bình an như ở chốn cũ kỹ và mộc mạc này". Một thanh niên trẻ nói. Có lẽ tất cả mọi người đang ngồi đây cũng đang có được một tâm trạng giống anh.
Đó là một hạnh phúc bình dị của đời người mà già Lư đã vô tình đem đến cho những con người trẻ của cuộc sống hiện đại. Người qua đường có dịp tình cờ ghé qua quán nhỏ rồi cũng lại trở thành người tri kỷ. Họ yêu cái thanh tịnh và cảm cái phong thái nho nhã của ông già nên thường đề tặng ông những bài thơ sâu sắc về trà, về triết lý nhân sinh. Đó là bài thơ tiếng Hán của 3 cậu sinh viên khoa Hán Nôm, là bài thơ của ông Trưởng ban biên tập một tờ báo nổi tiếng... Những món quà quý này luôn được ông trân trọng và đem ra "khoe" mỗi khi có dịp. Giọng đọc của ông chất chứa sự cảm ơn chân thành đến những người bạn yêu quý của mình.
Trong căn nhà nhỏ trên tầng 2 của khu tập thể cũ, ông cẩn thận đưa cho tôi xem tập bản thảo của cuốn sách "Bước đầu khôi phục và xây dựng văn hoá trà, nghệ thuật trà Việt Nam" mà ông đã nung nấu từ lâu. Một số người bạn trà có tên tuổi đã hứa giúp ông xuất bản cuốn sách này, cũng là lời hứa cho một nét đẹp văn hoá được hồi phục. Đối với ông, đây là một chuyến đi dài, nhưng ông tin mình sẽ làm được bởi ông có rất nhiều bạn bè tâm giao bên cạnh, trong đó có những cụ già yêu trà và rất tâm huyết với trà Việt. Nhìn lại một nét văn hoá đẹp đã và đang bị phai phôi bởi lối sống nhanh và vội vàng của cuộc sống hiện tại, nhìn lại kho nghệ thuật trà quý giá, tôi thầm mong cho chuyến đi của ông gặp nhiều thuận lợi. Cây chè Việt Nam đã thâm nhập hàng chục nước trên thế giới, nền văn hoá trà Việt thuộc vào loại lâu đời bậc nhất nhưng các công trình nghiên cứu về trà lại rất ít. Việt Nam đang chờ đợi một thương hiệu cho cây chè Việt. Thật đúng lúc để ta quan tâm khôi phục lại nét Văn hóa trà Việt đặc sắc xưa kia.
VĂN HOÁ TRÀ VIỆT NAMTại Việt Nam, hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền, gắn liền với đạo Phật của người Việt. Nó được gọi là Thiền trà. Các nhà sư thường uống và tụng kinh thay cơm vào buổi sáng hay lúc chiều tà, với ý nghĩa giúp con người tỉnh mộng trần, rửa được lòng tục và xua đi cảm giác cô độc. Hiện nay, ngôi chùa duy nhất còn tiến hành nghi lễ Thiền trà định kỳ là chùa Văn Trì, Từ Liêm Hà Nội.
Trà dần trở nên quen thuộc với đời sống cung đình như là một bằng chứng của sự giàu sang và quyền quý, là thứ để phân biệt đẳng cấp với các thứ dân trong xã hội phong kiến.
Trước năm 1945, các hãng trà lớn ở Hà Nội như chính Thái, Ninh Thái, Phú Xuân, Phú Thái rất giàu có, họ buôn và bán trà khắp Đông Dương. Trà ngon được đựng trong chai thuỷ tinh, lọ sứ, hộp thiếc. Mỗi lọ đựng khoảng 1 lạng. Ngoài lọ có gói giấy bạc, giấy bóng kính rất cẩn trọng. Vào ngày Tết, đồ mừng, quà tặng là mọt lọ trà như thế rất quý giá. Tầng lớp sĩ phu giàu có, trí thức, nhà nho có thói quen uống trà cầu kỳ. Đó chính là lúc nghệ thuật uống trà được tôn vinh, và nền văn hoá trà ở giai đoạn hưng thịnh.
Công cụ để pha trà phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hoả. Hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò đốt bằng than hoa hoặc than tàu, ấm pha trà phải là ấm được làm từ thứ đất sét đỏ như chu sa, vừa nhỏ cho đủ một tuần trà. Mua được chiếc ấm ưng ý cũng không phải là chuyện dễ. Người ta thả úp ấm vào chậu nước, nếu thấy chúng nổi đều, cân nhau thì được.
Thưởng trà là một nghệ thuật đẹp của người Việt trong quá khứ. Thưởng trà với hoa, trăng hoặc thanh tịnh nơi trà thất. Với trà, họ có một cách thưởng thức đặc biệt và giàu ý nghĩa. Khi lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm đồng, họ thanh tịnh nhĩ căn; khi nhâm nhi từng ngụm trà nhỏ, họ thanh tịnh khẩu vị và thiệt căn; khi tiếp xúc với những trà cụ trong sự tĩnh giác, họ thanh tịnh xúc giác và thân căn; khi thâm tâm và lục căn thanh tịnh, họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền muộn và tâm hồn trở nên thanh thản.
Người Việt xưa còn có tổ chức các hội trà. Khắp nơi trên đất Việt, người ta tôn vinh trà như là ông chủ của các cuộc vui. Họ tụ họp cùng uống trà khi có trà ngon hay vào các dịp đặc biệt, thường là uống trà thưởng hoa xuân, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa kia. Trước tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, hoa cúc, hoa mai trắng, thuỷ tiên ở tại vườn và tự chuẩn bị loại trà ngon nhất. sáng mồng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà.
Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà vào tối mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự và dặn dò lớp con cháu. Trà ngũ hương giới hạn cho năm người. Khay uống trà ngũ hương thửa năm chỗ trũng, để năm loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu. Đậy chén trà kín hoa, bưng khay lên rồi để nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu bám vào chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét về trà. Sau mỗi chén trà, người chủ trà hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức cái tinh tuý của năm loại hoa.
Người xưa đặc biệt coi trọng và nâng trà lên thành một thứ nghệ thuật độc đáo như thế. Và không phải ai cũng có thể thưởng thức được trà. Đó chỉ có thể là các bậc tao nhân nho nhã, có cái khí thanh tịnh và cái hồn lánh xa bụi trần. Khi đó, họ đã là những người tri kỷ và là thứ bậc thanh cao nhất của cõi đời. Phong cách uống trà của người Việt không bị ảnh hưởng theo phong cách uống trà của Trung Hoa hay Nhật Bản. Nghệ thuật uống trà biểu hiện phong phú nếp sống và văn hoá ứng xử của người Việt. Nhưng thời gian dài trôi qua, cùng với sự khốc liệt của chiến tranh và những biến động của lịch sử, thú uống trà dù vẫn còn nhưng chỉ đậm đà ở một số ít người có học thức.
Đến nay, văn hoá trà Việt bị phôi phai trong ký ức người Việt cũ và dường như không tồn tại trong ý thức người Việt Nam mới. Đó cũng là nỗi trăn trở của ông cụ vẫn đang hàng ngày giữ hồn trà Việt trong những ấm trà nóng cùng cách ướp trà đặc biệt không cẩu thả dành cho các khách hàng của mình.
UỐNG TRÀ VỚI NGƯỜI HIỂU TRÀGià Lư là người bạn tâm giao của trà Việt và có mong muốn lưu giữ trà phong của người Việt. Cụ hiểu trà hơn hiểu chính bản thân cụ. Với cụ, uống trà là một thú chơi, là cả một nghệ thuật. Nhìn cách cụ pha trà một cách cầu kỳ giữa cuộc sống nhiều tất bật, lo toan, được uống 1 chén trà của cụ thì thật đáng quý.
Thứ hàng hoá này không bị pha loãng, bị "làm giả" giữa thời buổi kinh tế thị trường. Những hiểu biết của cụ về trà quả thật quý giá.
Trà là một loại dược thảo quý. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong lá chè có chứa 20% chất tananh (chất chát) có tác dụng sát khuẩn mạnh. Một lượng lớn chất caffein, chất đường, tinh dầu, một số loại vitamin cùng 130 hợp chất khác có tác dụng rất lớn cho sức khoẻ con người.
Hai công dụng lớn nhất của chè là làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường chức năng hoạt động của thận và giúp tế bào AND tái tạo, giảm bớt các đột biến gen có thể dẫn đến ung thư, hạn chế tác hại của bệnh đau tim, bệnh mỡ trong máu...
Ngoài ra, chè còn có tác dụng chữa bệnh sâu răng, kích thích hệ thấn kinh trung ương giúp cho tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Chất caffein giúp lợi niệu, dễ tiêu hoá, chữa chứng xơ vữa động mạch, loại trừ chất độc trong cơ thẻ, lưu thông khí huyết.
Một chén trà ngon là một chén trà được pha chế cẩn trọng. Sự cẩu thả không bao giờ đem đến cho chúng ta một chén trà có hương vị thơm nồng.
- Thu Giang -