Ngày trước, uống trà là một thú vui của người nho nhã. Nhà văn Nguyễn Tuân sành điệu trong việc thưởng thức trà đến nỗi một nửa vỏ trấu rơi lẩn vào trong ấm, khi uống ông cũng phát hiện ra. Ông pha trà bằng những giọt sương lấy từ lá sen vào buổi sớm.

Nhưng liệu trong cuộc sống tất bật và xô bồ hôm nay có còn chỗ cho người ta thanh thản nhâm nhi một chén trà?
Vậy mà có đấy! Bạn tôi đã nói nhiều về quán trà này và tôi hồi hộp lắm khi trên đuờng đến đó. Nó đây ư? Một tấm bảng màu xanh đề hai chữ "Trà nóng" chứng thực sự tồn tại của quán. Ở đây ban ngày người ta họp chợ, quán trà nằm ở khu tập thể B6 - Thanh Xuân Bắc.

Người uống trà gọi quán là trà Lư. Năm nay ông 70 tuổi. Tôi được biết trước đây ông là giáo viên dạy Toán cấp III. Có một người cùng phụ giúp ông bán trà là bác Tiến. Hai người đều ở trong hội người cao tuổi của phường.

Quán trà đơn sơ. Gồm hai cái bếp than tổ ong mà ở trên đó đặt hai nồi nước to lúc nào cũng sôi sùng sục. Khi khách đến, già Lư lấy nước đang sôi ở nồi to để pha trà. Còn nồi nhỏ thì dùng để luộc chén cho nóng và sạch. Khách đến đây, tự phục vụ, tự bê lấy phần trà của mình, tự tìm chỗ ngồi... vì chủ quán phục vụ không kịp. Nhưng không ai phiền lòng vì việc này.

Trà ở đây có năm loại: trà sen, nhài, cúc, Tân Cương, ngũ hương. Chủ quán cho biết trà lấy tận Phú Thọ, Sơn La, Mộc Châu, Lạng Sơn, so người quen mang về. Trà ướp với hoa sen, hoa nhài, hoa cúc. Khi tôi tò mò hỏi về cách ướp trà ngon, chủ quán chỉ mỉm cười im lặng. Nếu là tôi, tôi cũng như vậy. Đã là bí quyết thì chẳng ai muốn tiết lộ cả.

Bê chén trà thơm, nước xanh ngắt, kề vào mũi ngửi một lúc thấy hương thơm phả vào cả mặt, uống vào chan chát ở đầu lưỡi, nhưng một lúc sau thì thấy vị ngọt nơi cổ họng. Về đến nhà, hương thơm của trà và dư vị ngọt vẫn còn len cả vào giấc ngủ.
Đến với quán trà Lư, bạn tha hồ mà gặp gỡ, làm quen với mọi thành phần, mọi lứa tuổi: người già, người trẻ, nhà giàu, bình dân... nhưng đông nhất vẫn là sinh viên. Có lẽ sinh viên thích đến đây một phần là do giá cả rất rẻ.

Uống trà và nhâm nhi với kẹo lạc thì thật tuyệt. Nhất là vào mùa thu. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được những sinh viên nhạc viện đi dạy đàn ban đêm ghé lại uống một chén trà. họ sẵn sàng cầm đàn và chơi cho bạn bản nhạc mà bạn yêu cầu.

Còn bạn là người yêu thích văn chương, thích nói chuyện thời sự, thích bình luận bóng đá? Bạn cứ đến đây. Bạn sẽ gặp được những người có sở thích giống bạn. Chủ quán lại luôn có sẵn những câu đố ghi cẩn thận vào một tấm bảng đen. Khách vừa uống trà, vừa suy nghĩ về câu đố và giải thưởng cũng rất "mềm", có khi là một ấm trà hay một gói thuốc lá...

Bạn là người có tài thơ ca? Sẵn sàng thôi. Bút có sẵn và giấy thì đã đóng thành tập treo ở tưởng. Ghi nhanh khi cảm xúc đang độ chín muồi. Hoặc là bạn có thể chép lên đó một câu danh ngôn bạn tâm đắc. Nhiều người đã làm như vậy. Bằng chứng là có rất nhiều bài thơ đã được ghi lên.

Vào buổi sáng, quán trà là nơi tụ tập của các cụ già. Họ đi chạy thể dục về, mặc nguyên cả quần áo tập và ghé lại để thưởng thức một chén tà nóng hổi. Và họ nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chính trị cho đến việc ngâm và bình một bài thơ cổ.

Tôi thường là vị khách cuối cùng của quán. Bởi lúc nào tôi cũng muốn nán lại để nhâm nhi, để cảm nhận trọn vẹn sự ấm áp của hương trà của cuộc sống.

Còn bạn, hãy chọn một đêm trăng sáng, đến trà Lư, nâng chén trà hoà lẫn bóng trăng, nhấp môi thưởng thức để nghe một vị khách khi rời quán đã tặng lại già Lư:

"Chi quán phùng tương đối ẩm trà
Tao nhân ngâm vịnh hoán thi ca
Khởi hồi chủ khách do lưu luyến
Dạ bán thanh phong nguyệt dĩ tà".

Bài dịch
"Quán nhỏ chung vui một chén trà
Cùng nhau trao đổi chuyện thơ ca
Ra về chủ khách còn lưu luyến
Gió mát trời khuya bóng trăng tà".