VietArtValue.com - Body art tạo nên những bức tranh “sống” cùng lúc làm được hai điều mà ít thể loại hội họa nào truyền tải được: khán giả vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp cơ thể tạo hóa ban tặng, vừa đón nhận những thông điệp của họa sĩ.
Quyến rũ
Body art xuất hiện tại Việt Nam khá lâu, dưới dạng các hình xăm hoặc vẽ mặt tuồng trong các lễ hội dân gian. Nhưng đưa hình vẽ lên cơ thể người thì mới lạ với công chúng. Theo nhiếp ảnh gia Thái Phiên, ở phương Tây, hóa trang trên cơ thể hay còn gọi là vẽ rồi chụp lại là một trong những môn nghệ thuật phổ biến.
Nhưng tại Việt Nam, để chấp nhận được loại hình nghệ thuật này phải cần có thời gian. “Lý do thì nhiều, song chủ yếu bởi thuần phong mỹ tục. Người Việt khó chấp nhận hình ảnh một người mẫu khỏa thân, hình vẽ nhằng nhịt hồn nhiên đi lại và trình diễn trong không gian công cộng, hoặc trưng bày tại phòng tranh”, họa sĩ Bùi Thanh Phương bày tỏ.
Body art không dễ làm
Triển lãm “Sắc màu” của nhà nhiếp ảnh Phan Quang diễn ra đầu tháng ba tại Himiko Visual Saloon (324 Điện Biên Phủ, TP HCM) với 40 tác phẩm “sống” (body art - vẽ lên cơ thể người) trở thành một trong những triển lãm ấn tượng. Để thực hiện triển lãm, Phan Quang nhờ tới sự trợ giúp của nhiều họa sĩ danh tiếng cùng múa cọ, tô màu lên cơ thể bán nude của người mẫu nữ.
|
|
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên chia sẻ, muốn đưa cọ vào những vùng nhạy cảm của phụ nữ, họa sĩ phải có tay nghề cao. Bản thân người mẫu cũng phải rất can đảm nếu muốn tham gia loại hình này. Ngồi không động đậy trước người lạ hàng giờ đồng hồ để họ vẽ lên cơ thể thực sự là việc khó khăn. Để làm được việc này, họa sĩ, nhiếp ảnh gia và người mẫu phải thật sự hiểu nhau.
Theo hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, tùy theo quan điểm của mỗi người mà coi body art chỉ là cuộc chơi hay là lĩnh vực nghệ thuật nghiêm túc. “Cái gì mới mà không ảnh hưởng đến xã hội thì cứ thể nghiệm. Nhưng để nổi tiếng trong lĩnh vực này là rất khó. Nghệ thuật body art không dễ làm, đòi hỏi người họa sĩ phải có tâm, có nghề”, ông Chương nói.
Cùng quan điểm với họa sĩ Khánh Chương, họa sĩ trẻ Đào Hải Phong luôn cổ vũ cho những cái mới trong nghệ thuật. Body art là loại hình nghệ thuật mới. Để có được tác phẩm đẹp, chất lượng, người họa sĩ phải có “phông” văn hóa vững chắc.
Theo nhiếp ảnh gia Thái Phiên, trong nghệ thuật, sự mới lạ luôn tạo ra hai luồng dư luận (ủng hộ và phản đối), nhưng cuối cùng cái đẹp sẽ chiến thắng. “Tôi cũng đang mày mò tìm kiếm và khám phá vẻ đẹp qua body art”, Thái Phiên cho biết.
Body art liệu có thể trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến? Trả lời câu hỏi này, họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, body art khó nhân rộng mà chỉ phát triển trong phạm vi hẹp.
Theo ĐV - cinet.gov.vn