QĐND – Anh Kiều Quốc Khánh được người trong “làng” thư pháp Việt trân trọng gọi với bút hiệu “Nguyệt trà bút”. Anh là người thể hiện bằng thư pháp Quốc ngữ đôi câu đối của GS Vũ Khiêu tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm. Bức thư pháp này được trưng bày triển lãm ở nhiều nơi. Gần đây, anh đã phát triển thêm cho phong cách thư pháp của mình bằng cách viết thơ cùng với thư pháp, được rất nhiều người Hà Nội ưa chuộng…
QĐND – Anh Kiều Quốc Khánh được người trong “làng” thư pháp Việt trân trọng gọi với bút hiệu “Nguyệt trà bút”. Anh là người thể hiện bằng thư pháp Quốc ngữ đôi câu đối của GS Vũ Khiêu tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm. Bức thư pháp này được trưng bày triển lãm ở nhiều nơi. Gần đây, anh đã phát triển thêm cho phong cách thư pháp của mình bằng cách viết thơ cùng với thư pháp, được rất nhiều người Hà Nội ưa chuộng.
Thơ và thư pháp của Kiều Quốc Khánh đã định hình phong cách. Gần đây anh cũng mở lớp đào tạo Thư pháp Quốc ngữ. Theo khóa học 20 buổi, học viên có thể sử dụng thành thạo “văn phòng tứ bảo” là bút-nghiên-giấy-mực; biết đầy đủ các nét cơ bản của Thư pháp Quốc ngữ. Đó là phần cứng, còn để ra nghề, thể hiện được một tác phẩm đẹp với câu văn vần hay, có ý nghĩa, còn tùy thuộc vào từng người. Có khá nhiều người theo học các khóa thư pháp này.
Anh Kiều Quốc Khánh cho rằng, TP Hồ Chí Minh, TP Huế đi đầu trong quá trình hình thành và phát triển Thư pháp Quốc ngữ. Ở Hà Nội, Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam cũng ra đời từ năm 1999, tuy vậy phong trào “chơi chữ” rất hạn chế. Chỉ đến trước năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ thư pháp Việt, thể hiện thư pháp bằng chữ Quốc ngữ thì phong trào mới lan rộng.
Hiện nay không chỉ có người lớn tuổi, nhiều em học sinh, nhiều thanh niên nam, nữ cũng đến với thư pháp Quốc ngữ. Sự ra đời của các thư quán, câu lạc bộ, phòng triển lãm khắp nơi là một minh chứng rõ nét. Anh Kiều Quốc Khánh cho biết thêm: “Thư pháp Quốc ngữ là nghệ thuật mang tính hình tượng hóa đối với chữ viết. Thông qua việc dùng bút lông, mực nho để tạo nên những câu chữ với hiệu quả nghệ thuật. Thư pháp Quốc ngữ gần gũi với đời sống vừa là lợi thế nhưng cũng là một hạn chế lớn vì chưa có được một hệ thống lý luận nền tảng làm chuẩn mực, đặc biệt chưa có kỹ pháp hoàn chỉnh”. Điểm hạn chế của Thư pháp Quốc ngữ chính là việc có quá nhiều người tự nhận là “ông đồ”…
Hướng đi của Kiều Quốc Khánh khác. Anh thể hiện các tác phẩm Thư pháp Quốc ngữ với tên người. Ví dụ: Viết tên Lê Hà theo phong cách thư pháp, trên một trang giấy lớn mà thể hiện hai chữ đó thì trống quá, vậy là anh gieo đôi câu văn vần, một câu có từ Lê, một câu có từ Hà, hai câu ghép lại đọc vừa có nghĩa và nhìn càng thích mắt. Cách làm đó giúp anh có thể “bán chữ” quanh năm. Hiện nay, văn phòng Trung tâm Việt Art của anh ở đường Trần Kim Xuyến (Yên Hòa, Cầu Giấy) nhận không hết việc. Thơ và thư pháp, ai ngờ lại có duyên với nhau đến thế.
Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG
Trả lời